STEAM là phương pháp giáo dục liên ngành hiện đại hướng đến việc trang bị những kiến thức, kỹ năng từ 5 bộ môn: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Mathematics (Toán học) cho người học.
Mô hình này là phiên bản nâng cấp hoàn toàn mới của phương pháp giáo dục STEM trước đó, được bổ sung thêm yếu tố nghệ thuật (Art). Nhờ vậy, phương pháp giáo dục STEAM đã trở nên hoàn chỉnh và toàn diện hơn.
Phương pháp giáo dục STEAM ra đời từ ý tưởng sáng tạo của Trường Thiết Kế Rhode Island (Hoa Kỳ). Ý tưởng này ngày càng nhận nhiều phản ứng tích cực và đang được nhân rộng trên khắp nước Mỹ. Sau này, STEAM đã được ứng dụng thêm tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và được xem là phương pháp giáo dục phổ biến, tiên tiến nhất hiện nay.
Phương pháp STEAM mang đến cho học sinh hình thức học chủ động, sáng tạo. Mỗi bài học trong chương trình đều là các tình huống thực tế nhằm kích thích trí tò mò của các em. Từ đó, học sinh sẽ dần hoàn thiện kỹ năng, khám phá và giải quyết những vấn đề xung quanh qua nhiều góc nhìn khác nhau.
Phương pháp STEAM giúp trẻ phát triển kỹ năng:
Nhờ vào việc kết hợp giảng dạy nhiều môn học khác nhau như: toán học, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, cho đến nghệ thuật mà phương pháp STEAM giúp học sinh tiếp thu được kiến thức một cách đa dạng và toàn diện, đồng thời phát triển các kỹ năng liên quan bao gồm:
- Kỹ năng khoa học – Science(S): Mô hình STEAM giúp học sinh hiểu được cách thức hoạt động, sự liên kết giữa định nghĩa, nguyên lý của sự vật, sự việc. Trên cơ sở đó, các em biết áp dụng để thực hành và giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Ví dụ: Bé sẽ hiểu được mưa tạo ra từ hơi nước bay lên…
- Kỹ năng Công nghệ – Technology(T): Học sinh được tiếp xúc với công nghệ cao, hiện đại, giúp các em nhận thức đúng hơn về khoa học – công nghệ. Qua đó, các em sẽ tự sáng tạo nên các sản phẩm, mô hình khoa học từ đơn giản đến phức tạp.
- Kỹ năng Kỹ thuật – Engineering(E): Việc lồng ghép những mô hình thực tiễn vào giảng dạy giúp học sinh biết được cách thức sản xuất, vận hành của các sản phẩm quen thuộc. Nhờ vậy các em sẽ biết được cách chế tạo và lắp ráp cơ bản, tăng khả năng tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Ví dụ như lắp rô bốt, máy móc đơn giản phù hợp với từng độ tuổi của bé.
- Kỹ năng Nghệ thuật – Art(A): Nghệ thuật là yếu tố phân biệt giữa mô hình giáo dục STEAM với STEM. Không những chú trọng về tư duy logic, phương pháp này còn giúp học sinh phát triển về tư duy hình tượng. Người học được tự do sáng tạo và khám phá thế giới nghệ thuật, tham gia các hoạt động âm nhạc, hội hoạ… để phát triển các giác quan và thẩm mỹ một cách tốt nhất. Ví dụ: Múa được xem là môn học giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quan sát, tính bền bỉ, kiên trì.
- Kỹ năng Toán học – Mathematics(M): Đây là phương pháp giáo dục sớm giúp học sinh làm quen và rèn luyện với những con số từ nhỏ. Các em sẽ được khơi dậy tiềm năng và niềm đam mê với toán học. Đồng thời giúp xây dựng nền tảng, tư duy định nghĩa toán học đúng đắn, phản xạ nhanh nhạy hơn để trẻ có thể áp dụng vào thực tế.